canhanf
  • Yêu thích

Sôi động 'mua trước, trả sau' ở Việt Nam

  • Chia sẻ
  • share

Đầu tháng 10, khi TP HCM vừa hết giãn cách, chị Ngọc Như quyết định mua trả góp một chiếc tủ lạnh mới. Chị chọn gói góp 8 tháng 0% lãi suất, mỗi tháng trả 1,3 triệu đồng. "Ưu điểm lớn nhất là tôi có chiếc tủ lạnh mà mình yêu thích với số tiền bỏ ra ban đầu không lớn. Chỉ cần sau hơn nửa năm trả dần là xong, đảm bảo cân đối được thu chi hàng tháng", chị nói.

Mua trước trả sau (buy now, pay later) là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt. Hiện nhiều công ty còn cung cấp các gói không tính lãi suất, nhưng sẽ tính các phụ phí và phí trả chậm cao.

Trong năm 2021, thị trường này phát triển sôi động cả về người dùng lẫn các dịch vụ mới. Theo báo cáo của Research & Markets, thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng 71,5% mỗi năm và đạt 697,1 triệu USD vào năm 2021.

Báo cáo cho biết, tùy chọn mua trước, trả sau đang trở thành một cách mua sắm ngày càng phổ biến với người tiêu dùng tại Việt Nam. Sự phát triển của ngành chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ và đặc biệt là người mua sắm Thế hệ Z.

Chị Ngọc Như đã mua trả góp 4-5 sản phẩm, chủ yếu là đồ điện tử gia dụng. "Thường mua sắm món nào trên 5 triệu đồng thì tôi tìm chọn các gói góp 0% lãi suất", chị nói.

FE Credit và Home Credit - hai doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu thị phần cho vay trả góp ở Việt Nam đều cho biết mỗi bên có khoảng 12 triệu khách hàng.

Trong một chia sẻ cuối tháng 11, bà Annica Witschard, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cho biết họ có khoảng 40% khách hàng được giới thiệu mức lãi suất 0%. Cùng với đó, gần 75-76% khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ trước đó.

Hàng loạt tên tuổi lớn nhỏ, từ Fintech đến các đơn vị tài chính lớn năm qua cũng đồng loạt tham gia lĩnh vực này.

Hồi tháng 3, startup mua trước trả sau Fundiin đã huy động một khoản tiền không được tiết lộ để mở rộng dịch vụ tại Việt Nam. Tháng 8, MoMo công bố hợp tác với TPBank tung ra ví trả sau, chào mời người dùng quẹt ví mà không cần lo tài khoản còn bao nhiêu tiền, với hạn mức đến 5 triệu đồng. Tuần trước, Nikkei cho hay ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) sẽ rót 170 triệu USD để mua cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu dịch vụ thanh toán MoMo.

Trung tuần tháng 11, Napas hợp tác với 13 ngân hàng, công ty tài chính để triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. Thẻ tín dụng nội địa được dùng thanh toán trực tiếp trên thiết bị chấp nhận thẻ (POS), thanh toán trực tuyến.

Hiện có 6 ngân hàng (VietinBank, Sacombank, ACB, HDBank, Bảo Việt Bank, Bản Việt Bank) và một công ty tài chính (VietCredit) đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Cũng trong tháng đó, Mastercard tung ra giải pháp thẻ thương mại mua trước trả sau dành cho doanh nghiệp nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hay như gần đây, Lotte Finance Việt Nam, một công ty con của công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc Lotte Card, đã triển khai dịch vụ mua trước trả sau cho khách hàng trong nước, dựa trên phần mềm thanh toán kỹ thuật số Way4 của Open Way. Theo đó, họ cấp một hạn mức tín dụng cho khách hàng để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử đối tác của Lotte Finance.

Thị trường dùng trước trả sau ở Việt Nam có một năm phát triển sôi động nhờ nhiều yếu tố. Đầu tiên là xu hướng thân thiện với mua trước trả sau của tập khách hàng trẻ. Phía MoMo cho rằng, thế hệ Y, thế hệ Z, những người làm chủ thị trường tiêu dùng ngày nay không thụ động chờ lương về để hạch toán các khoản chi tiêu trong kỳ.

Nhu cầu mua sắm, thanh toán các hóa đơn đến hạn... luôn thúc giục họ có những giải pháp tài chính sáng tạo hơn. Và đó là cơ hội của mảng dùng trước, trả sau. Ở chiều ngược lại, sản phẩm không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng mà còn góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ, dịch vụ, đây cũng là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục.

Nắm bắt được nhu cầu này, 67% nhà bán hàng kỹ thuật số ở Việt Nam nói rằng họ khả năng tăng hoặc duy trì việc cho vay kỹ thuật số, theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Google, Temasek, Bain & Company.

Yếu tố thứ hai tạo động lực lớn cho mua trước trả sau và các hình thức tín dụng trực tuyến là sự phát triển của thương mại điện tử. Năm nay, quy mô thị trường này đã tăng trưởng đến 53%, đạt 13 tỷ USD. Bà Annica Witschard cũng xác nhận, mua sắm trực tuyến tăng mạnh giúp cho lĩnh vực mua trước trả sau phát triển theo.

Với việc chọn mua một sản phẩm, ngày nay người dùng có rất nhiều lựa chọn trả tiền sau, bao gồm các gói trả góp, hay "cà" các thẻ tín dụng nội địa, ví trả sau, thẻ tín dụng trực tuyến.

"Tôi cho rằng thói quen mua sắm online đã thay đổi rất nhiều bởi đại dịch trên toàn cầu và Việt Nam. Chúng ta nói đến mua trước trả sau nhiều hơn vì ngày càng mua sắm qua mạng nhiều hơn", bà Annica Witschard nói.

Động lực thị trường còn đến từ các startup mua trước trả sau đang ngày càng sôi động. Ngoài Fundiin, thị trường còn có những cái tên khác như Reepay, Atome, LitNow, Movi... Một số chuyên gia cho rằng, số lượng các Fintech mảng này sẽ tăng theo cấp số nhân. Họ có thể đi theo hướng gọi vốn nước ngoài hoặc liên kết với các ngân hàng để triển khai dịch vụ.

Thị trường mua trước và dùng trước trả sau dự kiến còn phát triển mạnh mẽ. Báo cáo quý II của Research & Markets đánh giá, đại dịch đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán, từ đó định hình lại lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam.

"Dự kiến, sự hấp dẫn của thị trường ngày càng tăng có khả năng thu hút những người chơi mua trước trả sau toàn cầu vào thị trường Việt Nam trong ba đến bốn quý tới", báo cáo cho hay.

Báo cáo dự đoán thanh toán mua trước trả sau dự kiến tăng trưởng ổn định với tốc độ là 38,1% trong giai đoạn 2021-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước sẽ tăng từ 207 triệu USD vào năm 2020 lên 4,73 tỷ USD vào năm 2028.

Viễn Thông